Nên mua hay thuê nhà? Đây không chỉ là băn khoăn của những cặp vợ chồng mới cưới mà còn là vấn đề của những người đã có sự nghiệp ổn định mong muốn tìm một chỗ ở mới. Dưới đây là những câu hỏi giúp bạn tự cân nhắc và đưa ra quyết định xem phương án nào là tốt nhất cho mình.
1. Bạn dự tính ở đó trong bao lâu?
Môt câu hỏi để trả lời cho thắc mắc nên mua hay thuê nhà chính là bạn sẽ dự định gắn bó với khu vực mình đang sinh sống trong bao lâu? Nếu thời gian càng dài thì phương án mua nhà là lựa chọn phù hợp. Vì quá trình mua bán nhà sẽ tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức. Đồng thời, giá nhà đất cũng thường biến động theo thời gian. Trong trường hợp bạn thường phải di chuyển liên tục cho công việc hoặc dự định ở đó ít hơn 5 năm, lựa chọn nhà cho thuê sẽ thích hợp hơn.
2. Cuộc sống và công việc của bạn có ổn định không?
Nếu công việc của bạn đã thực sự ổn định, thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống cũng như một khoản vay vốn dài hạn thì đây chính là thời điểm thích hợp để vay mua nhà trả góp và tìm cho mình chốn “an cư” thích hợp. Trong trường hợp bạn chưa thực sự chắc chắn về công việc hiện tại, hoặc đang mong muốn chuyển đến một nơi khác sinh sống và lập gia đình thì bạn nên chọn thuê nhà ở lúc này.
3. Thu nhập của bạn có thể đáp ứng được chi phí ở nhà thuê hay mua?
Bạn có thể ước tính chi phí ban đầu cũng như chi phí định kỳ hàng tháng của 2 phương án này để xem ngân sách của mình phù hợp với lựa chọn nào. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định nên mua hay thuê nhà.
Mua nhà
- Chi phí ban đầu:
- Tiền mua nhà hoặc khoản tiền trả trước trong trường hợp vay vốn
- Thuế và phí cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu
- Chi phí sắm sửa nội thất, vật dụng
- Chi phí vận chuyển đồ đạc cho chỗ ở mới
- Phí đăng ký các dịch vụ: Internet, truyền hình cáp…
- Chi phí định kỳ:
- Tiền trả gốc và lãi vay hàng tháng trong trường hợp vay vốn mua nhà
- Chi phí bảo trì, tân trang nhà cửa
- Tiền sinh hoạt: ăn uống, điện nước…
- Các khoản phí phát sinh: du lịch, cưới xin…
Thuê nhà
- Chi phí ban đầu:
- Tiền đặt cọc
- Chi phí sắm sửa nội thất, vật dụng
- Chi phí vận chuyển đồ đạc cho chỗ ở mới
- Chi phí định kỳ:
- Tiền thuê nhà
- Tiền sinh hoạt: ăn uống, điện nước…
- Các khoản phí phát sinh: du lịch, cưới xin…
4. Bạn đã có khoản tích lũy nào hay chưa?
Hiện nay, các dự án căn hộ chung cư thường có nhiều chính sách ưu đãi cho người mua nhà. Trong đó, bạn chỉ cần trả trước từ 10 – 30% giá trị căn hộ là bạn đã có thể sở hữu và vào ở ngay. Tuy nhiên, nếu bạn có thể trả trước nhiều hơn thì có thể hưởng mức lãi suất tốt hơn, đồng thời bạn cũng không quá chật vật với số tiền trả nợ hàng tháng.
Theo lời khuyên của những gia đình đã từng vay vốn mua nhà, chỉ nên vay tối đa 50%, tốt nhất là 30 – 40% giá trị căn hộ và tổng chi phí trả lãi ngân hàng không chiếm quá 40% thu nhập tháng để tránh bị áp lực trả nợ đè nặng. Chính vì thế, nếu khoản tích lũy và thu nhập của bạn đáp ứng được những tiêu chí trên thì nên chọn phương án mua nhà.
5. Nếu mua nhà, ngân sách của bạn còn đủ cho những kế hoạch khác?
Ngoài số tiền phải trả để sở hữu nhà ở, bạn cũng cần tích lũy cho các kế hoạch khác như tiền học cho con, tiền cho những phát sinh không mong muốn như chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa… Nếu thấy việc mua nhà ngốn hết ngân sách thì bạn cần cân nhắc thêm. Trong trường hợp này, có thể phương án thuê nhà để tiết giảm chi phí sẽ phù hợp hơn
theo BeRich.vn