Hỏi: Nhà hàng xóm xây nhà áp sát khiến tường nhà tôi bị nứt, thấm một vài chỗ. Tôi đã nói chuyện nhưng suốt mấy tháng họ vẫn không có động tĩnh gì.
Vậy tôi có thể khiếu nại không và thủ tục thế nào?
(Huy Hùng)
Trả lời:
Việc quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định tại Điều 7 Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 như sau:
“1. Công tác quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh. Khuyến khích các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ áp dụng các quy định của Nghị định này để quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ.
2. Bộ Xây dựng hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ”.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, việc giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm được quy định tại Điều 8 Thông tư 05/2015/TT-BXD ngày 30/10/2015 của Bộ Xây dựng như sau:
“1. Trước khi thi công xây dựng, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có). Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận có trách nhiệm phối hợp với chủ nhà để kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình làm căn cứ giải quyết các tranh chấp (nếu có).
2. Trong quá trình thi công xây dựng, nếu công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sập đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Trường hợp các bên không thống nhất thì tranh chấp phát sinh được giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng nhà ở được xử lý theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan”.
Theo đó, trong trường hợp của bạn, bạn có quyền yêu cầu chủ sở hữu ngôi nhà bên cạnh kiểm tra, xác định nguyên nhân nhà bạn bị hư hỏng, thống nhất biện pháp khắc phục và bồi thường thiệt hại.
Nếu họ không hợp tác hoặc bồi thường mức không thỏa đáng thì bạn có thể đề nghị UBND cấp xã nơi có công trình giải quyết. Nếu việc giải quyết của UBND cấp xã vẫn không thỏa đáng, bạn có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chủ sở hữu ngôi nhà đó cư trú.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội