Năm 2018, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao kênh đầu tư bất động sản, đặc biệt là sản phẩm condotel. Ngoài ra, chứng khoán cũng nhận được cái nhìn khả quan hơn vàng và ngoại tệ.
Bất động sản tiếp tục là kênh hút đầu tư
Theo nhận định của TS. Đinh Thế Hiển, năm 2018, thị trường bất động sản nhìn chung sẽ dẫn đầu nhu cầu đầu tư. Tuy nhiên, ở các phân khúc khác nhau sẽ đón nhận những chuyển biến riêng biệt, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý chọn lựa của nhà đầu tư.
Cụ thể, căn hộ cao cấp với nguồn cung khá lớn trong các năm 2016 – 2017, nhưng nhu cầu thuê không tương xứng sẽ có khả năng bị giảm giá cục bộ. Bên cạnh đó các căn hộ bình dân, trung cấp, mặc dù vẫn có nhu cầu ổn định, nhưng sẽ có sự cạnh tranh giữa các dự án về chất lượng sản phẩm và khuyến mãi. Đất nền vùng ven ở những khu vực hạ tầng kết nối tốt và các khu vực kinh tế đang được đầu tư phát triển vẫn thu hút mạnh các nhà đầu tư trung, dài hạn.
Trong khi đó, bất động du lịch giải trí lại “thoáng” hơn, do phân khúc này sở hữu bệ đỡ vững chắc từ việc phát triển du lịch.
Cụ thể, trong năm 2017, Việt Nam đón gần 87 triệu triệu lượt khách quốc tế lẫn nội địa, mức tăng trưởng ghi nhận ở mốc 30% qua các năm, tổng thu từ du lịch năm nay ước đạt hơn 510.000 tỷ đồng. Kỳ vọng trong 3 năm tới, ngành du lịch Việt Nam thu hút được 20 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 80 triệu khách nội địa, giá trị xuất khẩu du lịch trên 20 tỷ USD. Cùng với đó, một loạt chính sách trọng tâm đẩy mạnh phát triển du lịch cũng đã được thông qua.
Du lịch phát triển kéo nhu cầu lưu trú phòng rất cao. Theo CBRE, đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 300.000 phòng lưu trú, trong khi đó, hiện nay các thành phố du lịch lớn chỉ mới đáp ứng được khoảng 102.758 phòng khách sạn. Tính ra từ nay đến năm 2020, các thành phố du lịch lớn tại Việt Nam cần thêm khoảng gần 78.000 phòng khách sạn lưu trú.
Đây là những con số hết sức ấn tượng và màu mỡ cho giới đầu tư địa ốc. Một loạt dự án ra mắt gần đây đã cho thấy điều đó. Điểm đáng ghi nhận hơn, trong loạt dự án mới được bung ra thị trường gần đây đã xuất hiện nhiều dòng sản phẩm mới mẽ. Những dòng sản phẩm như vậy sẽ đón nhận tín hiệu tốt từ nhà đầu tư bởi chúng có khả năng hút khách cao và đem đến lợi nhuận cho họ.
“Thay vì phát triển những dự án đã quá nhiều và quen thuộc trên thị trường, nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đang mạnh dạn thay đổi và đưa ra những sản phẩm dựa trên xu hướng trong tương lai, có thể là 5 năm, hay 10 năm tới. Những mô hình mới này sẽ làm cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đa dạng hơn, phong phú hơn và có thể thu hút nhiều du khách đến Việt Nam thêm nữa”, ông Rudolf Hever – Giám đốc, Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương chia sẻ.
Chứng khoán nhận được đánh giá khả quan
Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 được dự đoán là có nhiều thuận lợi hơn 2017, với các mảng đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu tiếp tục phát triển; nợ xấu ngân hàng được xử lý khá tốt, kinh tế nội địa có nhiều lợi thế hơn.
Điều này tiếp tục tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. Thực tế năm 2017 cũng đánh dấu một năm thành công lớn của kênh đầu tư chứng khoán, với mức tăng của VN-Index đạt 45,8%, cao hơn hẳn các kênh đầu tư khác và vượt trội so với thị trường chứng khoán các nước khu vực.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng chỉ ra, chứng khoán dù là kênh có lợi nhuận khá tốt, nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, đòi hỏi người đầu tư phải có lượng kiến thức am hiểu nhất định.
“Tiền gửi ngân hàng vẫn khá ổn định. Năm 2018 có nhiều áp lực để giảm lãi suất huy động, nhưng do cơ cấu vốn của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào ngân hàng, nên lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm sẽ khó giảm hơn 6,5%. Bên cạnh đó, vàng và USD sẽ giữ mức ổn định như năm 2017, bởi vậy nếu nhà đầu tư kỳ vọng mức lợi nhuận tăng trưởng cao thì nên cân nhắc 2 kênh đầu tư này”, TS. Đinh Thế Hiển nói thêm.
Theo TTDN