Khan hàng, giá thép xây dựng tiếp tục tăng cao

Giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây do nguyên liệu nhập khẩu tăng cùng những tác động từ Trung Quốc vốn là thị trường sản xuất thép lớn nhất thế giới. Dự báo, giá thép sẽ còn tiếp tục tăng đến tháng 5/2018.

PV vừa có buổi khảo sát tại các cửa hàng vật liệu xây dựng lớn trên đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội). Theo đó, giá thép hiện vẫn giữ ở mức cao từ năm ngoái và nhiều khả năng sẽ còn tăng nữa.

Theo chia sẻ của chủ cửa hàng sắt thép Dung Chúc, từ năm ngoái giá thép đã tăng lên và kéo dài đến giờ, đặc biệt là thép xây dựng. Riêng thép ống tăng giá không đều, tùy từng loại, có loại lên ít, có loại lên nhiều.

Cô Dung, chủ một cửa hàng thép chuyên nhập thép của các công ty lớn như Việt Đức, Hòa Phát… cũng cho biết, thời điểm cuối năm 2016, giá thép xây dựng còn ở mức 11.500 đồng/kg nhưng đến nay đã lên mức 15.300 – 15.400 đồng/kg. Đáng nói là đà tăng giá vẫn diễn ra liên tục và có thể sẽ còn tăng tiếp.

“Nếu không tính thời điểm năm 2008 khi thị trường bất động sản bùng nổ khiến giá thép lên mức 19.000 đồng/kg thì mức giá hiện nay là cao nhất”, cô Dung khẳng định.

Cũng theo thông tin chủ cửa hàng này cung cấp, các nhà sản xuất thép vừa có thông báo vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau giá thép sẽ tăng thêm 300 đồng/kg và sẽ tăng thêm một nhịp nữa vào cuối tháng 3. Điều đó cũng có nghĩa, giá mỗi tấn thép có thể sẽ tăng thêm từ 300.000 – 500.000 đồng trong thời gian tới.

“Là đại lý phân phối, chúng tôi liên tục nghe khách phàn nàn, kêu ca về giá nên rất mệt mỏi nhưng chúng tôi buộc phải tăng do giá của nhà cung cấp tăng. Để thích ứng, chúng tôi phải lấy hàng lúc giá rẻ và khuyên khách đặt tiền trước để chúng tôi giữ hàng cho khách”, cô Dung nói.

Công ty TNHH Sắt Thép Xây Dựng Minh Đức (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, do giá quặng nhập khẩu tăng nên giá sắt thép xây dựng trong tháng 1 – 2/2018 cũng tăng theo. Dự báo trong tháng 3/2018 giá thép xây dựng còn tăng nữa do ngoài Tết, nhiều công trình cùng khởi công trở lại cộng với nhu cầu thép từ thị trường xây dựng dân dụng.

Theo đó, tình trạng hết hàng xảy ra tại hầu hết các nhà máy thép, thép đưa ra đến đâu là được tiêu thụ hết đến đấy. Ngay ngày đầu tiên của tháng 3, giá théo đã bị đẩy lên 300 đồng/kg.

Lượng đơn hàng tại các đại lý thép và nhà phân phối cũng tăng cao đột biến, có nơi còn không đủ lượng để cung cấp cho khách hàng. Khi biết thông tin tăng giá, nhiều khách hàng lớn đã đặt trước để mua một số lượng lớn nên nguồn cung trên thị trường càng khan hiếm. Ngoài ra, tình trạng khan hàng còn do nhiều đại lý còn găm hàng chờ giá khi biết chắc giá thép sẽ còn tăng cao.

Cũng như các thị trường khác, thị trường thép Việt Nam chịu tác động lớn từ Trung Quốc – nước tiêu thụ khoảng một nửa số vật liệu thô của thế giới và sản xuất thép nhiều nhất thế giới. Vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã mở chiến dịch chống ô nhiễm môi trường và hạn chế dư thừa năng suất thép. Động thái này khiến giá nhôm, thép và quặng sắt trên thế giới tăng mạnh.

Tại thị trường Việt Nam, để phục vụ sản xuất trong nước, ngành thép phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu và bán thành phẩm như quặng sắt, than mỡ từ Trung Quốc. Do giá nguyên liệu thế giới tăng nên các nhà sản xuất thép trong nước cũng phải tăng giá bán sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Nguyên nhân chính khiến giá thép trong nước và quốc tế tăng liên tục trong thời gian gần đây là do thị trường thép Trung Quốc (quốc gia chiếm khoảng một nửa sản lượng và tiêu thụ thép của thế giới) sôi động trở lại”.

Cũng theo ông Sưa, nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp thép tăng khiến cho giá nguyên liệu (quặng sắt, than cốc, thép phế liệu) tăng theo, đồng thời cũng làm cho giá bán thành phẩm (phôi thép, thép cuộn cán nóng) và thép thành phẩm tăng lên. Việc tăng giá này không phải do ảnh hưởng từ động thái gần đây của Mỹ khi dự định tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm.

Ông Sưa dự báo, thời gian tới, nguyên liệu và thép thành phẩm còn tăng thêm nữa do ngành xây dựng vẫn đang sôi động. Nhân đà này giá thép có thể sẽ tăng liên tục từ nay cho đến hết tháng 5/2018. Do đó, các nhà thầu hoặc chủ đầu tư có nhu cầu mua thép cần tính toán để chủ động nguồn hàng, giảm chi phí xây dựng.

(Theo Hà Nội Mới)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0963.645.655