Bạn có biết có rất nhiều người đã bị lừa số tiền đặt cọc khi chỉ nhìn vào bìa đỏ photo và mức giá rẻ của nó?
Bạn có biết rằng sổ đỏ có thể làm giả? Và đã từng có rất nhiều người đã bị lừa mất số tiền gom góp cả đời người vì giấy tờ giả?
Hãy kiểm tra ngay giấy tờ của người bán để tránh những rủi ro mà “tiền mất tật mang” nhé !
1. Kiểm tra bìa đỏ xem có tranh chấp, kiện tụng, cầm cố hay không?
Hiện nay có 2 khái niệm: Sổ đỏ và Sổ hồng. Nếu chưa nắm rõ được sự khác biêt giữa hai loại sổ này, mời bạn vào link dưới đây để xem nhé !
Trước hết, bạn phải tự kiểm tra bộ hồ sơ sản phẩm được cung cấp từ bên bán. Trong đó, một thủ tục không thể bỏ qua là phải xem bản chính sổ đỏ để xác định dấu vết tẩy xóa, rách nát chắp vá, rồi các loại giấy tờ đi kèm khác (nếu có) như thế chấp, vay nợ…
2. Đừng nên mua đất khi chưa có sổ hồng riêng
Cũng có rất nhiều trường hợp đơn cử như mảnh đất chúng ta muốn mua có diện tích chỉ 40m2 nhưng khi yêu cầu xem sổ đỏ thì trong sổ lại có diện tích lớn hơn 40m2 (có thể là 80m² hoặc lớn hơn, nghĩa là phần đất mà họ rao bán là phần nằm trong sổ lớn này, và phần này chưa có tách sổ). Chủ nhà có thể sẽ lấy lí do đang chờ tách sổ và trước mắt bán với hình thức tạm viết tay đến khi có sổ sẽ chuyển cho chúng ta.
Chúng ta hãy nhớ, đừng bao giờ chấp nhận lý do sau này sẽ tách sổ bởi chúng ta không thể chắc chắn thời điểm khi nào mới có sổ riêng. Nếu quyết định vội vàng bạn sẽ có nguy cơ “tiền mất tật mang” vì pháp luật không công nhận mua bán theo hình thức này.
3. Kiểm tra tính chính danh của chủ nhà: chủ nhà có phải là chính chủ không?
Đối chiếu thông tin chủ nhà: tên, ảnh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân trên sổ đỏ có trùng khớp với thông tin trên chứng minh nhân dân hoặc sổ đỏ không.
4. Xem đất có thuộc vào quy hoạch dự án hay không?
Tiếp đến là công đoạn kiểm tra chéo thông qua các cơ quan chức năng, cụ thể: đề nghị bên bán cung cấp bản photo sổ đỏ, sau đó bạn có thể trực tiếp tới cơ quan cấp chứng nhận sở hữu (sổ đỏ) để kiểm tra thông tin gốc (qua địa chính phường hoặc phòng tài nguyên môi trường quận).
5. Kiểm tra xem nhà có bị ngăn chặn giao dịch không?
Hãy mang giấy photo chủ quyền nhà đến Phòng Công chứng hoặc Văn phòng công chứng để hỏi. Một số căn nhà vướng các vụ kiện tụng về tranh chấp tài sản, kê biên thi hành án… sẽ bị ngăn chặn không công chứng được. Phải cẩn thận kẻo mất cọc nếu không công chứng được do vướng trường hợp này.
Khi kiểm tra sổ đỏ, bạn lưu ý sổ đứng tên Hộ và sổ đứng tên cá nhân: Nếu là tên Hộ thì khi giao dịch phải có đầy đủ tất cả thành viên có trong hộ khẩu cùng ký thì mới đủ thủ tục.
Sổ đỏ phải ghi rõ là đất ở lâu dài, nhiều thửa đất bên cạnh đất ở lâu dài sẽ có thêm đất vườn tap lâu dài. Trường hợp này thì khi giao dịch sẽ phải nộp ½ số tiền chênh lệch giữa giá nhà nước quy định của đất ở trừ đi giá đất vườn tạp. Bạn lưu ý kỹ mấy vấn đề này nhé
Ngoài ra, người mua cần tìm hiểu tình hình dân trí, an ninh, đồ án quy hoạch… tại địa bàn có bất động sản giao dịch. Có thể tìm hiểu trực tiếp tại cơ quan lãnh đạo sở tại (phường/xã) hoặc dò la khai thác người dân tại địa phương quanh khu vực bất động sản mà mình đang có ý định mua