Dù đã có các quy định khá đầy đủ về hành nghề môi giới bất động sản nhưng việc thực thi chưa được quản lý sát sao. Thực tế thời gian qua đã có không ít vụ lùm xùm đáng tiếc xảy ra gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường bất động sản.
Dưới đây là trao đổi của ông Trần Minh Hoàng – phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam với báo Tuổi Trẻ về thực trạng trên cũng như những giải pháp giúp lành mạnh thị trường môi giới bất động sản.
– Có phải nghề môi giới bất động sản đang rất hấp dẫn với nhiều người, kể cả những người “tay ngang” không, thưa ông?
Không thể phủ nhận môi giới bất động sản là ngành nghề hấp dẫn, lợi nhuận cao. Chỉ cần một giao dịch thành công đã đem lại cho môi giới vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu. Số tiền này có khi bằng thu nhập của một người bình thường làm trong 5-7 tháng. Do đó, môi giới cũng chiếm một lượng lao động rất lớn và cũng là một ngành nghề quan trọng
Số liệu thống kê của Hội Môi giới Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới. Tuy nhiên, nếu dùng công cụ thống kê trên mạng, thì chỉ riêng Tp.HCM đã có tới 100.000 người tham gia vào lĩnh vực này. Họ có hoạt động chào bán khá thường xuyên trên các trang thông tin nhà đất. Nếu tính cả những người làm “tay trái tay phải” thì số lượng còn nhiều hơn nữa.
Các đối tượng tham gia làm nghề môi giới rất đa dạng. Bên cạnh lực lượng môi giới chuyên nghiệp, dành toàn bộ thời gian, tâm sức cho công việc bán dự án thì còn rất nhiều môi giới không chuyên cũng hành nghề theo kiểu nghề “tay trái”. Từ công chức, viên chức, dân văn phòng cho đến người lao động làm xe ôm, bán hàng nước…. đều có thể chỉ trỏ, cò kè mua bán bất động sản, miễn là có thông tin.
– Điều đó có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản, thưa ông?
Việt Nam không phải là ngoại lệ, mà các nước khác cũng vậy, môi giới bất động sản là ngành chiếm vị trí rất quan trọng. Đây cũng là lý do các nước đều quản lý hoạt động môi giới một cách chặt chẽ, họ được đào tạo, có bằng cấp, đạo đức… Ngược lại, ở Việt Nam, các cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm hoặc chưa quan tâm đúng mức đến ngành nghề này. Việt Nam gần như chưa có cơ sở giáo dục đào tạo chính thức nào chuyên về môi giới bất động sản. Các công ty môi giới hiện nay phần lớn cũng chỉ “đào tạo” nhân viên bằng những trải nghiệm.
Một ngành nghề có quy mô, tài sản lớn lại thu hút lượng người tham gia rất đông như nghề môi giới mà quản lý lỏng lẻo thì tất yếu sẽ phát sinh những vấn đề tiêu cực. Thực tế, rất nhiều môi giới am hiểu pháp luật hạn chế, có khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà không hay biết. Đặc biệt là khi họ cố làm đủ mọi cách để nhanh chóng chốt xong giao dịch và hưởng hoa hồng. Nhiều người cố tình cung cấp không đầy đủ thông tin cho khách hàng để trục lợi, thậm chí, còn có những đối tượng tung ra các thông tin sai sự thật hòng cố tình tạo ra được giao dịch. Mọi trách nhiệm sau đó họ sẽ đẩy hết cho chủ đầu tư (người bán) và người mua, kết quả là nhiều tranh chấp dân sự nổ ra.
Đó là chưa kể, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, trên thị trường còn có không ít doanh nghiệp đi theo hướng thu tiền thật nhanh. Họ nhanh chóng tung các dự án ra bán khi các thông tin còn mập mờ để thu ngay vài chục hay hàng trăm tỷ sau đó giải tán thành lập công ty khác. Nói chung, các môi giới có rất nhiều mánh khóe trong việc rao bán, lôi kéo khách hàng.
– Theo ông, tình trạng hỗn loạn như vậy có xảy ra tại các nước khác trên thế giới không?
Tại nhiều nước trên thế giới cũng có xuất hiện lực lượng môi giới không chuyên, họ có giới thiệu một vài bất động sản nhưng những hoạt động này không gây ảnh hưởng đến thị trường. Theo đó, họ có thể là những người quen thân giới thiệu bất động sản cho nhau. Nhìn chung, ở các nước thì môi giới chuyên nghiệp mới là lực lượng chính thức và thường xuyên. Lực lượng này được quản lý rất nghiêm ngặt, bắt buộc phải có bằng cấp chứng chỉ mới được hành nghề. Những trường hợp không có chứng chỉ mà vẫn hành nghề, nếu bị phát hiện thì sẽ bị phạt hành chính rất nặng, thậm chí là phạt hình sự. Không chỉ có các quy định pháp luật, tại nhiều nước, người làm nghề môi giới cũng như các nghề khác còn phải tuân theo các quy tắc đạo đức của các hội nghề nghiệp liên quan đến ngành nghề đó. Quy định về nghề môi giới ở Việt Nam cũng như bản thân nghề này còn khá mới mẻ nên còn khá lộn xộn.
– Ông cho rằng nên có những giải pháp nào giúp giải quyết tình trạng lộn xộn của hoạt động môi giới bất động sản hiện nay?
Thực tế, thời gian qua có nhiều vụ việc xảy ra, có thiệt hại rồi mới thấy cơ quan chức năng can thiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi có tham gia xử lý thì cũng rất chậm. Có những vụ doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo rất rõ ràng, nhưng do cơ quan quản lý loay hoay tìm cách giải quyết nên vụ việc không được giải quyết rốt ráo. Cũng do quản lý lỏng lẻo nên nhiều doanh nghiệp trở nên “lờn thuốc”, bất chấp luật pháp, sẵn sàng kiếm tiền khi có cơ hội.
Do đó, để lành mạnh thị trường, trước hết Nhà nước cần quản lý chặt chẽ nghề môi giới bất động sản. Cơ quan quản lý thị trường cần thiết phải có lực lượng chuyên môn am hiểu về thị trường, pháp luật quản lý về môi giới bất động sản. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có lực lượng thanh tra xây dựng, theo tôi nên có thêm thanh tra về thị trường bất động sản để thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện nhanh các trường hợp vi phạm trong hoạt động môi giới cũng như kinh doanh bất động sản. Ngay từ khi các dự án công bố thông tin là lực lượng này đã phải có mặt để xác minh, từ đó kịp thời đưa ra những cảnh báo cho người mua, thậm chí phạt hành chính doanh nghiệp vi phạm.
Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần phối hợp với các hội nghề nghiệp để xây dựng hệ thống kết nối thông tin trong hoạt động môi giới bất động sản. Trên cơ sở đó đem lại kênh thông tin tham khảo chính thống cho người mua khi muốn giao dịch bất động sản.
Về phía các hiệp hội nghề nghiệp cũng cần đặt ra những quy chuẩn đạo đức cụ thể, yêu cầu những đơn vị, cá nhân tham gia buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt. Với những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm thì ngoài việc không được chia sẻ cơ hội cũng cần có biện pháp hạ uy tín trên thị trường.