Theo quy định, những công trình xây dựng trái phép sẽ có 60 ngày làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng trước khi bị cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tình trạng xây dựng trái phép hiện đang diễn ra ở nhiều nơi, với mức độ càng nghiêm trọng.
Trước đây, xây dựng trái phép chỉ diễn ra phổ biến ở thành thị, chủ yếu là do người dân cơi nới nhà cửa để mở rộng không gian sinh hoạt. Nay tình trạng này lại chuyển dịch sang đối tượng là các doanh nghiệp (xây dựng nhà công trình sản xuất kinh doanh), chủ đầu tư các dự án, giới đầu nậu gom đất phân lô.
Trong khi đó ở khu vực nông thôn và cả khu vực miền núi, số vụ vi phạm đang có chiều hướng gia tăng do bộ máy chính quyền về quản lý xây dựng ở xã, huyện khu vực này yếu về chuyên môn, thiếu về lực lượng, và nếu có phát hiện cũng khó xử lý do nể nang vì có mối quan hệ với nhau.
Thực tế cho thấy, giới đầu nậu phân lô thường hay ra các vùng đô thị hóa, vùng quy hoạch đặc khu để tận dụng sự lơi lỏng trong quản lý của những khu vực này. Việc liên tục phát hiện nhiều công trình bề thế tại các khu vực nông thôn và miền núi trong thời gian gần đây đã nói lên điều ấy, theo luật sư Phượng.
Bị phạt tiền
Về việc xử phạt khi xây dựng trái phép, luật sư Phượng cho biết, tùy theo đối tượng và hành vi vi phạm, các chế tài tương ứng sẽ được áp dụng theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017. Việc xử lý là phạt tiền, kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả, hình thức xử phạt bổ sung đối với chủ đầu tư, cá nhân sở hữu, đơn vị thi công.
Với trường hợp cấp phép sửa chữa cải tạo, tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng. Nếu thi công sai giấy phép được cấp mới sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu, 20 – 30 triệu và 30 – 50 triệu đồng đối với các công trình tương ứng.
Với hành vi không có giấy phép xây dựng, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; phạt tiền từ 30 – 50 triệu đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; công trình sai cốt xây dựng; công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống; cơi nới, lấn chiếm diện tích, không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
Luật cũng quy định rất rõ ràng về xử phạt các hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. Bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, di tích; phạt 35 – 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ; phạt từ 300 – 350 triệu đồng đối với công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng,… Với hành vi tái phạm, tổ chức thi công, chủ công trình sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu, 70 – 80 triệu, từ 950 triệu – 1 tỷ đồng đối với những công trình tương ứng.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng đến 12 tháng đối với các hành vi tiếp tục vi phạm và tái phạm.
Và khắc phục hậu quả
Luật sư Phượng cho biết, khi xảy ra sai phạm, bên vi phạm buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bổ sung phương tiện che chắn, khôi phục lại tình trạng ban đầu và có thể bị tháo dỡ công trình.
Đối với các công trình đang thi công bị phát hiện sai phạm sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 60 ngày, bên vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng.
Hết thời hạn trên, nếu không đưa ra được giấy phép sẽ buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Nếu đã được điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng thì phải tháo dỡ phần công trình đã xây không phù hợp mới được tiếp tục xây dựng.
Theo luật sư Phượng, để hạn chế công trình xây dựng trái phép, không còn xảy ra cảnh cưỡng chế, tháo dỡ gây lãng phí, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó áp dụng các chế tài từ việc xử phạt, buộc tháo dỡ, buộc khôi phục tình trạng ban đầu cho đến việc thu hồi đất nếu sử dụng đất sai mục đích quy định.
Nguồn: Châu An – Cafeland