Với việc tham gia Triển lãm ô tô Paris, Vingroup muốn gửi đi 1 thông điệp rằng sản phẩm của họ là ngang tầm thế giới và đích nhắm của họ không chỉ là thị trường nội địa.
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá về việc Vingroup ký hợp đồng mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để sản xuất những bộ phận quan trọng nhất của xe và việc 2 xe mẫu Vinfast sẽ trưng bày ở triển lãm ô tô Paris trong tháng 10/2018.
– Ông đánh giá thế nào việc Vingroup vừa ký hợp đồng mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để sản xuất những bộ phận quan trọng nhất của xe? Giải bài toán sản xuất bộ phận quan trọng nhất của xe
Tôi thấy việc này thể hiện rất rõ 2 điều: thứ nhất, đó là tầm nhìn xa và tính chuyên nghiệp cao của Vingroup.
Thứ hai, việc làm này hứa hẹn tạo ra bước tiến hết sức quan trọng cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và giúp Vingroup sớm đạt mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo ô tô – điều mà Chính phủ luôn kêu gọi, khuyến khích từ nhiều năm qua.
– Trước khi Vinfast xuất hiện, vì sao mong muốn có bản quyền sản xuất cấu kiện quan trọng nhất của ô tô ở nước ta luôn gặp khó khăn, thất bại, thưa ông?
Vấn đề mua bán bản quyền hoặc giấy phép sản xuất cấu kiện quan trọng, nhất là động cơ ô tô liên quan chặt chẽ đến chuyển giao công nghệ, mà bí quyết công nghệ chính là chìa khóa giúp nhà sản xuất giữ được lợi thế trong cạnh tranh với các đối thủ. Thậm chí trong nhiều trường hợp nó còn giúp tạo nên vị thế độc quyền. Vì vậy đàm phán mua bán bản quyền/giấy phép sản xuất thường không đơn giản.
Theo tôi được biết, tính đến hết năm 2017, ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất doanh nghiệp dự định sản xuất động cơ (cho xe tải). Nhưng đối tác nước ngoài cũng chỉ đồng ý chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2, không phù hợp xu thế phát triển của ngành công nghiệp ô tô thế giới cũng như lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam. Vì thế dự án đã phải dừng, không triển khai được.
Doanh nghiệp hỗ trợ chung mục tiêu với Vinfast
– Việc doanh nghiệp Việt Nam được tham gia chuỗi giá trị, kể cả sản xuất thiết bị đơn giản cho hãng ô tô nước ngoài, cũng rất khó khăn…
Để có thể trở thành 1 mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất của hãng ô tô danh tiếng, trước hết doanh nghiệp phải bảo đảm được các điều kiện tối thiểu như chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng, các yêu cầu liên quan đến bảo vệ môi trường trong sản xuất, trách nhiệm xã hội, quyền lợi của người lao động…
Để bảo đảm được các điều kiện, yêu cầu đó thì doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư không chỉ cho đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực… mà còn phải quan tâm đưa vào áp dụng hàng loạt tiêu chuẩn quốc tế như các loại ISO, IATF… Đây chính là khó khăn lớn đối với nhiều doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo: Báo Hải Phòng